Đái tháo đường là một trong những bệnh không lây phổ biến toàn cầu. Theo Hội đái tháo đường Hoa Kỳ 2004: “Đái tháo đường là một nhóm bệnh lý chuyển hóa đặc trưng bởi tăng glucose máu do thiếu hụt insuline, dẫn đến tăng glucose máu mạn tính…” Bệnh đái tháo đường chia làm typ 1 và typ 2, mỗi loại có nguyên nhân gây bệnh khác nhau. Vậy nguyên nhân gây bệnh Đái tháo đường là gì?

1. Nguyên nhân gây Đái tháo đường typ 1:

Cứ 10 người mắc đái tháo đường thì có 1 người mắc đái tháo đường typ 1. Bệnh thường gặp ở trẻ em và thanh thiếu niên hoặc người lớn dưới 40 tuổi.
Bệnh tiểu đường typ 1 là bệnh tự miễn. Như chúng ta đã biết, vai trò của các tế bào bạch cầu là bảo vệ cơ thể, sản xuất kháng thể chống lại các kháng nguyên lạ xâm nhập cơ thể. Tuy nhiên trong trường hợp tiểu đường typ 1, xuất hiện tình trạng hệ miễn dịch phản ứng quá mức, tấn công vào chính tế bào của cơ thể, tế bào beta đảo tụy sản xuất insulin bị phá hủy. Dẫn đến giảm hoặc thậm chí hoàn toàn không bài tiết insulin. Glucose không còn có thể thâm nhập vào các tế bào, gây tăng đường huyết.
Các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra nguyên nhân cụ thể dẫn đến tình trạng trên, nhưng họ cho rằng yếu tố kích thích sau đây có thể liên quan:

– Nhiễm virus hoặc vi khuẩn (quai bị, rubella, virus coxsackie B4)
– Độc tố hóa học trong thực phẩm: chất có bản chất hóa học (nitrophenyl-urea, asen…), và các chất độc hủy hoại tế bào khác như hydrogen cyanide từ bột sắn hư hỏng, thức ăn để ôi thiu nấm mốc…
– Sự di truyền gen bệnh cũng có thể là nguyên nhân gây bệnh tiểu đường typ 1

2. Nguyên nhân mắc Đái tháo đường typ 2.

Tiểu đường týp 2 phát triển khi cơ thể trở nên đề kháng với insulin hoặc khi tuyến tụy sản xuất không đủ insulin. Nếu không điều trị, hậu quả của bệnh tiểu đường type 2 có thể đe dọa tính mạng. Nguyên nhân có thể kể đến là:

Thứ nhất, sự rối loạn tiết insulin: Bình thường insulin có vai trò quan trọng trong việc duy trì sự hằng định của glucose máu .Khi mới bị đái tháo đường týp 2 thì insulin có thể bình thường do tuyến tụy bù đắp cho sự thiếu hụt insulin bằng cách tăng tổng hợp. Nếu tình trạng đường huyết cao kéo dài sau 10 đến 20 năm, tuyến tụy sẽ bị suy kiệt, không hoạt động như trước nữa, dẫn tới thiếu hụt insulin.
Thứ hai, sự đề kháng insulin: kháng insulin là tình trạng giảm hoặc mất tính nhạy cảm của cơ quan đích ( tổ chức cơ, gan, các cơ quan nội tạng…)với insulin. Do đó, glucose không được sử dụng để tạo năng lượng tại các cơ quan này.

* Yếu tố nguy cơ bệnh đái tháo đường typ 2 là gì ?

Sau một thời gian dài nghiên cứu, các nhà khoa học đã công bố những yếu tố nguy cơ hàng đầu dẫn đến sự rối loạn tiết insulin và đề kháng insulin như sau:

– Béo phì hoặc thừa cân, rối loạn lipid máu . Nghiên cứu ở Hoa Kỳ cho thấy đây là một lý do hàng đầu dẫn đến bệnh tiểu đường loại 2.
– Tăng huyết áp: là yếu tố nguy cơ chính của bệnh đái tháo đường. Theo Tổ chức Y tế thế giới, tăng huyết áp là áp lực máu lên thành mạch từ 140/90 mmHg trở lên.
– Rối loạn dung nạp glucose ( tiền đái tháo đường): là tình trạng đường huyết tăng cao nhưng chưa đến mức đái tháo đường. Nếu kiểm soát không tốt, 50% người bệnh có đường huyết cao sẽ tiến triển thành đái tháo đường typ 2 sau 5- 10 năm.
– Chủng tộc : bệnh tiểu đường xảy ra thường xuyên hơn ở người Mỹ gốc Tây Ban Nha / Mỹ La tinh, người Mỹ gốc Phi, người Mỹ bản xứ, người Mỹ gốc Á, người Thái Bình Dương và người bản địa Alaska.
– Tiểu đường thai kỳ: bị tiểu đường khi bạn mang thai kỳ. Điều này làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường typ 2 sau này.
– Lối sống ít vận động, tập thể dục ít hơn ba lần một tuần.
– Lịch sử gia đình có cha mẹ hoặc anh chị em ruột có bệnh tiểu đường.
– Phụ nữ bị hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao hơn.
– Tuổi trên 45 tuổi
– Hút thuốc lá, uống rượu bia, stress.

Thực sự nắm rõ nguyên nhân dẫn đến bệnh đái tháo đường là vô cùng quan trọng. Việc đó giúp định hướng cho người đã mắc bệnh tiểu đường thay đổi lối sống nhằm hạn chế các biến chứng nguy hiểm, cũng như kéo dài tuổi thọ. Đối với người chưa bị bệnh đái tháo đường cũng cần nhớ những nguyên nhân gây bệnh tiểu đường như trên để biết cách phòng tránh hiệu quả.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *